Học sinh Phần Lan lập kỷ lục trong điều tra của PISA

 

Marianne Zitting – STT

David Agar, Matthew Parry – HT

Helsinki Times, Issue 31. 14-20 December 2007

 

 

 

Học sinh Phần Lan đứng đầu về khoa học theo kết quả của nghiên cứu mới công bố gần đây của OECD. Kiến thức về khoa học của học sinh Phần Lan xếp hàng đầu trong tổng số 57 quốc gia theo điều tra của PISA.

 

Kết quả đánh giá cho thấy Phần Lan đứng đầu với 563 điểm. Và đây là kết quả cao nhất trong tất cả các lần điều tra từ trước tới nay. Ngoài khoa học, Phần Lan cũng đứng thứ hai về toán và đọc hiểu.

 

Hồng Kông đứng thứ hai, kém hơn Phần Lan 21 điểm. Trong số các nước láng giềng, nước có thành tích tốt nhất là Estonia, đứng thứ 5. Còn các nước khác thậm chí không có nước nào đứng trong tốp 20. Thụy Điển xếp thứ 22 và Đan Mạch đứng thứ 24. NaUy còn đứng thứ 33, dưới mức trung bình OECD.

 

Điều tra của PISA được công bố ba năm một lần, đánh giá kiến thức và kỹ năng học sinh 15 tuổi ở các môn toán, khoa học tự nhiên, đọc hiểu và giải quyết tình huống. Điều tra cũng đánh giá kiến thức chung và tinh thần học tập của học sinh. Năm 2000, PISA chú trọng đọc hiểu và năm 2003 chú trọng toán.

 

Năm 2007, điều tra của PISA chú trọng vào kiến thức khoa học tự nhiên và ứng dụng của khoa học vào đời sống hàng ngày. Tập câu hỏi điều tra dầy gần 100 trang tập hợp nhiều loại câu hỏi như hóa chất làm bánh mỳ, tiến triển của ngựa và khác biệt trong thành phần của son môi và son lót.

 

Ứng dụng của khoa học trong đời sống xã hội cũng được chú trọng trong các câu hỏi như hãy giải thích biểu hiện của tầng ozone. Ngoài ra, nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề nóng như thay đổi khí hậu và nhiên liệu sinh học.

 

Vậy mục đích của các cuộc điều tra học sinh định kỳ và tốn kém này là gì? Theo Tổng thư ký OECD Angel Guerria thì cuộc điều tra là để hỗ trợ các chính phủ định ra chính sách giáo dục của mình. “PISA không đơn thuần chỉ là để so sánh trình độ học sinh. Đó là chỉ dấu đánh giá mức độ hệ thống giáo dục của các nước trang bị hành trang cho các học sinh cho thế giới ngày mai. Trước tiên và quan trọng bậc nhất là điều tra chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của nền giáo dục các quốc gia.”

 

Đa số học sinh Phần Lan vượt chuấn song trình độ học sinh nam và nữ có chênh lệch.

 

95% học sinh Phần Lan đạt mức chuẩn kiến thức của OECD. Con số này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng nó cũng cho thấy 5% học sinh Phần Lan chưa đạt được chuẩn kiến thức.

 

Bộ trưởng giáo dục Phần Lan, bà Sari Sarkomaa thừa nhận rằng “Hệ thống giáo dục của Phần Lan không chú trọng các học sinh ưu tú”. Phần Lan không chuyển hướng chú trọng đào tạo lớp học sinh ưu tú để di hại tới số đông học sinh nhưng các trường sẽ có tự chủ lớn hơn trong tương lai.”

 

Chênh lệch trình độ giữa học sinh nam và nữ là một điểm yếu khác của Phần Lan: học sinh nữ giỏi hơn về đọc hiểu nhưng học sinh nam giỏi hơn về toán. Sự chênh lệch về đọc hiểu là cao nhất trong các nước OECD. Người phụ trách PISA của Phần Lan Pekka Arinen cho rằng “Sự chênh lệch này quá lớn và điều đó nói lên điều gì đó. Để thay đổi thực tế này cũng không phải dễ”.

 

Điều tra cho thấy từ trước tới nay chất lượng giáo dục là điểm mạnh của giáo dục Phần Lan. Chênh lệch trình độ giữa các trường là nhỏ nhất so với các nước. Một điểm nữa là giáo dục hiểu quả trong khi chi phí dành cho giáo dục không cao. Theo Ông Arinen Phần Lan ở mức trung bình khi so về thời gian học trên lớp và chi phí cho giáo dục trên đầu học sinh.

 

Ngoài ra Ông Arinen cũng chỉ ra một thực tế đáng lưu tâm là “học sinh Phần Lan có một tuổi thơ trọn vẹn trong khi như ở nước Anh học sinh bắt đầu cuộc đời học tập vào lúc 4 tuổi trong khi đó học sinh Phần Lan chỉ bắt đầu đi học khi bước sang bẩy tuổi”

 

PISA là gì?

 

-         PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế tiến hành ba năm một lần ở các nước OECD và một số quốc gia phát triển khác ngoài OECD

-         Năm 2007, 57 quốc gia tham gia và tính về mặt kinh tế các quốc gia này chiếm tới 90% tổng lượng kinh tế toàn cầu

-         Hơn 400.000 học sinh tham gia vào cuộc điều tra năm 2007.

-         Ngoài các bài điều tra, các lĩnh vực sau cũng tính vào điều tra: môi trường học tập của học sinh ở trường và ở nhà, địa vị xã hội của học sinh và sự hỗ trợ của xã hội với giáo dục; thời gian học sinh sử dụng để học tập và thái độ của học sinh đối với trường học và việc học tập.

-         PISA là chương trình điều tra so sánh giáo dục duy nhất ở cấp độ quốc tế về kiến thức của học sinh

 

------------------------------------------

 

PISA và học sinh Phần Lan

 

Salla Korpela, journalist

Salla.korpela@kolumbus.fi

 

 

 

 

Học sinh Phần Lan được xếp hạng đứng đầu thế giới nếu tính tổng kết quả ở cả ba môn điều tra là khoa học, toán và đọc hiểu.

 

Đây là kết luận đưa ra tại bản điều tra so sánh định kỳ kết quả học tập giữa các học sinh trong khuôn khổ chương trình PISA tiến hành ở 30 quốc gia OECD và 27 quốc gia khác năm 2006. PISA 2006 chú trọng điều tra về khoa học, theo đó học sinh 15 tuổi ở Phần Lan đứng đầu vượt xa Nhật, Hồng Kông và Hàn Quốc. Phần Lan đạt điểm 563, cũng là điểm số cao nhất trong điều tra của PISA từ trước tới nay. Về đọc hiểu, Phần Lan đứng thứ hai sau Hàn Quốc, và về toán cũng đứng thứ hai và chỉ kém 1 điểm so với Trung Quốc. Điểm số của Phần Lan trong những môn điều tra đều cao hơn từ 50 tới 60 điểm so với mức trung bình 500 điểm của các nước OECD.

 

Được công bố vào tháng 12/2007, PISA điều tra 389.750 học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên, ở lứa tuổi 15 trên 57 quốc gia. Phần Lan có 4714 học sinh từ 155 trường trong đó 114 trường tiếng Phần Lan và 11 trường nói tiếng Thụy Điển.

 

Điều tra cho thấy điểm đặc biệt mạnh của Phần Lan là hệ thống giáo dục bảo đảm cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người không phân biệt hoàn cảnh xã hội. Giáo dục hoàn toàn miễn phí và chênh lệch trình độ giữa các trường là rất nhỏ. Điều tra PISA cũng cho thấy chênh lệch trình độ giữa các học sinh Phần Lan không lớn như ở các nước khác và tỷ lệ % học sịnh yếu là rất thấp. Về khoa học, 95.9 % học sinh Phần Lan đạt bình (mức 2/6) hoặc cao hơn. Về đọc hiểu là 95.2% và Toán là 94.1%. Xấp xỉ 50% học sinh Phần Lan đạt mức 4 hoặc cao hơn ở tất cả các môn.

 

Kết quả cao, chi phí hiệu quả

 

Cũng có nhiều lý do nữa giải thích cho thành tích cao của học sinh Phần Lan. Lòng ham học và môi trường học tập ổn định được nuôi dưỡng đối với mọi học sinh bởi học sinh được học với cùng một giáo viên từ những năm lớp một và không có chuyện xếp hạng học sinh theo điểm học. Học sinh bắt đầu đi học khi lên bẩy và suốt cả thời gian đi học học sinh được tự do vui chơi suốt thời niên thiếu của mình. Thay bằng hình thức so sánh trình độ học sinh, mục đích của hệ thống giáo dục Phần Lan là nâng đỡ và định hướng cho học sinh bằng mọi hình thức hỗ trợ đặc biệt. Hầu như không có học sinh đúp lớp. Cả hệ thống chính trị đồng thuận hỗ trợ bảo đảm học sinh có một môi trường học tập kích thích lòng ham học và thoải mái nhất. Giáo viên được xem là nhân tố quan trọng bậc nhất và trình độ sư phạm của giáo viên Phần Lan tuyệt vời. Giáo viên và học sinh ở Phần Lan có quan hệ đầm ấm và cởi mở. Chi phí cho hệ thống giáo dục ở Phần Lan chỉ xấp xỉ mức trung bình của Châu Âu; số giờ học cũng ít hơn mức trung bình của Châu Âu và chính vì vậy mà hệ thống giáo dục của Phần Lan được xem là cực kỳ hiệu quả.

 

Các nghiên cứu trước của PISA được tiến hành năm 2000, chú trọng vào đọc hiểu và năm 2003 chú trọng vào toán.  Phần Lan đứng đầu nếu tổng hợp kết quả của tất cả các lần điều tra. Thành công của giáo dục đã khiến cả thế giới phải chú ý và các nghiên cứu về giáo dục của thế giới khác cũng cho kết quả tương tự. Hệ thống giáo dục của Phần Lan đã nhiều lần được giới thiệu trên các hội thảo lớn của thế giới và nhiều ngàn nhà giáo dục, cả các chuyên gia và chính trị gia, từ khắp Châu Âu và các châu lục khác đã viếng thăm Phần Lan để tận mắt tham quan các trường ngay trong giờ học.

 

Dịch từ bản gốc tại địa chỉ:

http://virtual.finland.fi/netcomm/news/showarticle.asp?intNWSAID=25825

 

 

Tham khảo thêm các bài về PISA2006 tại đây:

 

Phần Lan: PISA 2006 (Bài viết) New!!!

PISA 2006 – Những kết quả ban đầu (Báo cáo Bộ giáo dục Phần Lan)

PISA 2006: Cuộc đua giáo dục không phải bao giờ cũng dành cho nước giàu nhất (Economist 6/12/07)

GIÁO DỤC: Làm sao để đứng đầu (Economist, 18.10.07)