Giáo dục và chăm sóc trẻ em
tại Phần Lan
Hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ em tại Phần Lan
Giáo dục và chăm sóc trẻ em của Phần Lan (Early Childhood Education and Care-ECEC) bao gồm tất cả các hình thức chăm sóc và giáo dục mầm non có định hướng cho trẻ trước độ tuổi đi học (7 tuổi ở Phần Lan)
Khuôn khổ thực hiện ECEC được quy định trong:
Chăm sóc trẻ bằng nhiều hình thức là lĩnh vực quan trọng nhất trong các hoạt động ECEC. Hệ thống ECEC của Phần Lan gồm các dịch vụ tư và dịch vụ công. Chính quyền địa phương (municipalities) phải bảo đảm các hình thức chăm sóc trẻ bằng ba thứ tiếng: Phần Lan, Thụy Điển và Sami. Chăm sóc trẻ cũng cần nâng đỡ phát triển ngôn ngữ và văn hóa của những người nói tiếng Romany và trẻ em nhập cư.Có hai loại hình chăm sóc trẻ, tại các trung tâm chăm sóc trẻ hoặc tại gia đình. Một số địa phương cũng tổ chức các hoạt động ngoài trời khác ví dụ như các hoạt động vui chơi có người giám sát tại các địa điểm vui chơi của cộng đồng và tại các trung tâm chăm sóc trẻ công cộng. Mức phí chăm sóc trẻ tùy theo mức thu nhập của từng gia đình. Đối với các gia đình có thu nhập thấp (dưới 1300euro/tháng vào thời điểm năm 2007) thì được miễn phí. Mức phí thu được sẽ chiếm 15% tổng chi phí cho hoạt động chăm sóc trẻ (còn lại do nhà nước trợ cấp).
Bắt đầu từ năm 1996, gia đình có trẻ ở độ tuổi mầm non (1-tròn sáu tuổi) có quyền gửi trẻ tới các trung tâm chăm sóc trẻ do chính quyền địa phương mở ra. Kể từ tháng 8 năm 1997, các gia đình tự chăm sóc con mình sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp chăm sóc trẻ. Trên thực tế trên 90% gia đình gửi con tới nhà trẻ. Kể từ những năm 1960, cha mẹ nếu muốn sẽ được phép ở nhà chăm sóc những đứa con của mình (vẫn được hưởng lương nếu có việc làm). Năm 1964, chế độ nghỉ đẻ và trợ cấp nuôi con chính thức được ban hành. Và đến năm 1978, người cha cũng được hưởng chế độ này. Thời gian nghỉ đẻ hiện nay (năm 2004) là 43 tuần. Ngoài ra từ năm 1985, cha mẹ có quyền đăng ký nhận trợ cấp nuôi con tại nhà. Trợ cấp nuôi con tại nhà được tính ngay lập tức sau thời hạn nuôi con và được trả cho đến khi đứa bé nhất trong gia đình tròn 3 tuổi hoặc khi nó được gửi trẻ. Theo luật cha mẹ không bị buộc thôi việc trong suốt thời gian chăm sóc trẻ. Sau thời gian nghỉ nuôi con, các gia đình có ba lựa chọn cho tới khi đứa trẻ bắt đầu học tiểu học:
Cả ba lựa chọn này đều nằm trong quy định của Bộ Y tế.
Cải cách hệ thống dự bị tiểu học (ở Phần Lan đây được hiểu là giáo dục và chăm sóc cho trẻ 6 tuổi) bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8 năm 2000 và việc tổ chức hình thức giáo dục cho trẻ em ở độ tuổi này là nghĩa vụ bắt buộc của các chính quyền địa phương. Giáo dục dự bị tiểu học, một bộ phận của ECEC, nằm trong tổng thể chương trình giáo dục có tính hệ thống dành cho trẻ em trước khi bước vào lớp một, thường khai giảng vào tháng 8 của năm đứa trẻ lên 7. Giáo dục dự bị tiểu học được tổ chức ở tất cả các địa phương và học sinh được học 700 giờ một năm. Đối với các gia đình, việc gửi trẻ đến các trường này là tự nguyện và hoàn toàn miễn phí. Bộ giáo dục quản lý các hình thức giáo dục này.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 năm 2004, các hoạt động cho trẻ em vào buổi sáng và buổi chiều được đưa vào Luật Giáo dục cơ bản. Hội đồng Giáo dục quốc gia đưa ra định hướng cũng như xác định mục đích và nội dung chính của các hoạt động này. Để nhận được trợ cấp của nhà nước, các địa phương phải tổ chức dạy cho trẻ ít nhất 570 giờ/năm.
Đội ngũ nhân viên giáo dục được đào tạo cơ bản và giỏi nhiều kỹ năng là một trong những thế mạnh của giáo dục Phần lan. Để làm nhân viên trong nhà trẻ ít nhất phải có bằng trung học trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội (nấu ăn, vệ sinh, chăm sóc trẻ…). Một phần ba nhân viên giáo dục phải có bằng cấp cao hơn trung học, tức là phải có bằng cử nhân sư phạm, thạc sỹ về sư phạm hoặc cử nhân khoa học xã hội trở lên. Các giáo viên dự bị tiểu học (dạy trẻ em 6 tuổi) bắt buộc phải có bằng cử nhân hoặc thạc sỹ sư phạm hoặc bằng cử nhân khoa học xã hội cộng với một chứng chỉ riêng về phương pháp giảng dạy. Tỷ lệ giáo viên và học sinh trong các trung tâm chăm sóc trẻ là 1/7 đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi và 1/ 4 đối với trẻ dưới 3 tuổi trong các nhà trẻ trông cả ngày. Đối với các nhà trẻ trông nửa ngày thì tỷ lệ là 1/13 đối với các trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi thì tỉ lệ vẫn giữ là 1/ 4. Những tỉ lệ này cũng áp dụng đối với giáo dục dự bị tiểu học nếu được tổ chức tại các trung tâm chăm sóc trẻ. Khi giáo dục dự bị tiểu học được tổ chức tại trường tiểu học thì tỉ lệ là 1/13 và sỹ số tối đa của lớp là 20. Khi sỹ số quá 13, thì giáo viên phải có một trợ giảng có trình độ trung học trở lên.
Với những người trông trẻ tại nhà (người dân có quyền đăng ký hình thức này) bắt buộc phải dự các khóa đào tạo ngắn ngày. Trên thực tế nội dung các khóa đào tạo này chưa được chuẩn hóa. Năm 2000, hội đồng giáo dục quốc gia đưa ra quy định đối với những người này là phải được đào tạo theo chương trình chuẩn (Tài liệu quy định chuẩn giáo dục cho người giữ trẻ tại nhà năm 2000). Tỉ lệ của hình thức trông trẻ tại nhà là 1/ 4 tính cả con cái của những người trông trẻ. Ngoài ra người trông trẻ có thể hướng dẫn một đứa trẻ 6 tuổi hoặc một học sinh tiểu học.
Giáo dục và chăm sóc trẻ được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa nhiều đối tượng trong tổng thể mạng lưới cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em và gia đình. Những đối tượng đó là phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, cơ sở giáo dục, các tổ chức và cộng đồng khác hoạt động vì trẻ em và gia đình và các xứ đạo có các buổi lễ gắn với trẻ em. Hình thức chăm sóc đặc biệt đối với trẻ em ở lứa tuổi mầm non cũng được tổ chức cùng với các trẻ em bình thường khác để bảo đảm rằng đứa trẻ đó nhận được các hình thức chăm sóc đặc biệt và những người chăm sóc được đào tạo bài bản.
Xem hệ thống ECEC của Phần Lan và triết lý của nó được mô tả trong sơ đồ bản gốc tiếng Anh
Early Childhood Education and Care in Finland (Brochures 2004) (STM)
ECEC, giáo dục dự bị tiểu học với tư cách là một bộ phận của nó và giáo dục cơ sở , là một thể thống nhất diễn ra liên tục trong tiến trình phát triển của trẻ. Nội dung của ECEC được định hướng trong Giáo trình chuẩn quốc gia về ECEC 2003 và Giáo trình chuẩn quốc gia cho học sinh dự bị tiểu học 2000.
Ai cũng biết rằng phát triển thể chất và học tập diễn ra song song trong suốt một đời người. Việc nuôi nấng trong gia đình cùng với chăm sóc và giáo dục trẻ em là nền tảng cho quá trình đó. ECEC tại Phần lan được nhìn nhận như một thể thống nhất bao gồm nhiều hình thức gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó là chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ. Mức độ ưu tiên cho các hình thức đó là khác nhau tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu và độ tuổi của trẻ. Khi kết hợp tốt mức độ chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ thì có thể nâng đỡ ý thức về bản thân của trẻ, khả năng giao tiếp và diễn đạt cũng như sự phát triển tư duy.
Theo khung chương trình quốc gia của ECEC, mục tiêu quan trọng nhất của ECEC chính là nhằm nâng đỡ toàn diện thể chất của trẻ nhằm đem lại những điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển về thể chất, khả năng học tập và phát triển trí tuệ. Như thế thì đứa trẻ có khả năng hòa hợp với những người xung quanh, cùng nhau có cuộc sống vui vẻ, làm những điều mình thích, trong một môi trường an toàn và thư thái. Trẻ em yêu thích môi trường học tập, tự điều chỉnh việc vui chơi, học tập và các hoạt động khác ở mức độ ‘thách thức’ theo thể trạng, tâm sinh lý của mình.
Giáo dục dự bị tiểu học sẽ phải cân nhắc tới mục tiêu và nội dung của các hình thức khác của ECEC cũng như mục tiêu và nội dung của giáo dục tiểu học. Mục đích cơ bản nhất là bảo đảm trẻ em có cơ hội bình đẳng trong học tập và đến trường.
Trẻ em luôn tự chủ trong học những điều mới mẻ. Việc học tập đó, theo lẽ tự nhiên, được định hướng bởi óc tò mò, ý thức khám phá và niềm hứng khởi khi tự khám phá ra điều gì mới mẻ. Điểm mấu chốt của việc học chính là sự giao tiếp giữa trẻ em với trẻ em, giữa trẻ em với người lớn, và với môi trường xung quanh. Để khuyến khích trẻ phát huy óc sáng tạo thì môi trường ECEC phải đa dạng. Môi trường tự nhiên và môi trường xung quanh là những thành tố quan trọng trong môi trường học tập của trẻ. Môi trường học tập đó phải vừa dạy cho trẻ kiến thức lẫn va chạm thực tế. Môi trường học tập đó vừa phải có nhiều hoạt động, vừa phải rất đa dạng, linh hoạt để cho đứa trẻ có thể phát triển được mọi giác quan, sử dụng được toàn bộ sức lực để chơi, để di chuyển, để biểu đạt ý kiến, để thử nghiệm, và để khám phá bản thân.
Các hoạt động và tư duy của đứa trẻ, dù biểu hiện dưới hình thức nào, thì tựu trung lại cũng là vui chơi, di chuyển, khám phá, biểu đạt bản thân. Những hoạt động như vậy sẽ nâng đỡ quá trình phát triển thể chất của trẻ, nhận thức về bản thân và sẽ tạo ra những cơ hội cho trẻ tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau. Bất cứ hoạt động nào mà đứa trẻ thấy có ý nghĩa thì đều đọng lại trong suy nghĩ và tình cảm của trẻ. Khi giáo viên giao tiếp và thảo luận với trẻ, quan sát những hoạt động của trẻ, thì chính các giáo viên đó cũng hiểu thêm về thế giới quan và tư duy của trẻ. Và điều quan trọng hơn cả, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng những khám phá của chúng, câu hỏi của chúng, cách tư duy của chúng và hành động của chúng là có ý nghĩa. ECEC là nhằm hướng tới phát triển được ý thức và niềm ham thích học tập của trẻ.
Cha mẹ có quyền và trách nhiệm chính đối với việc giáo dục trẻ. Cha mẹ cũng là người hiểu con mình nhất. Chính vì vậy, giáo viên nhất thiết phải chia sẽ những thông tin về giáo dục và chăm sóc trẻ hàng ngày với cha mẹ.
Trong giáo dục và chăm sóc trẻ ở Phần lan thì sự hợp tác giữa nhân viên giáo dục và cha mẹ đóng một vai trò nền tảng. Chính vì thế, chương trình chuẩn quốc gia đã nhấn mạnh cách tiếp cận mới sâu sắc hơn, đó là chương trình đối tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Chương trình này nhấn mạnh sự tham gia của cha mẹ trong quá trình giáo dục trẻ chứ không đơn thuần là hợp tác. Theo đó, bản chất của mối quan hệ giữa cha mẹ và các nhà giáo dục chính là phần quan trọng nhất trong sự phát triển toàn diện thể chất của trẻ. Bước chuyển từ quan niệm hợp tác sang đối tác đòi hỏi phải có sự giao tiếp thường xuyên, liên tục và mật thiết giữa giáo viên và cha mẹ trên tất cả các vấn đề liên quan đến đứa trẻ. Kinh nghiệm cho thấy sự lắng nghe lẫn nhau, sự tôn trọng lẫn nhau là cực kỳ quan trọng để đạt tới sự hiểu biết chung.
Để đạt được điều đó thì cha mẹ được tạo cơ hội thảo luận những vấn đề liên quan tới việc dạy dỗ những đứa con của mình với tất cả các nhà giáo dục (liên quan trực tiếp tới con mình). Quan hệ đối tác này cũng hướng tới sự hợp tác và thảo luận giữa các bậc phụ huynh. Cha mẹ có quyền lựa chọn hình thức giáo dục và chăm sóc đứa con của mình. Cha mẹ cũng là một bộ phận trong quá trình chăm sóc này, kể cả trong việc lập kế hoạch và đánh giá những hoạt động của trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ được cha mẹ và thầy cô lập riêng cho một kế hoạch chăm sóc và giáo dục. Đó được coi là nền tảng cho sự hợp tác giữa nhà trường và cha mẹ. Tương tự như vậy, những đứa trẻ cần sự chăm sóc và giáo dục đặc biệt cũng sẽ được lập ra một chương trình chăm sóc đặc biệt.
Có khoảng 400 000 trẻ em dưới bẩy tuổi ( dưới độ tuổi đi học). Tỉ lệ trẻ em ở độ tuổi này trên toàn bộ dân số đã và đang giảm đi nhanh chóng, chỉ chiếm 7,7% và năm 2003. Theo ước tính, tỷ lệ này còn tiếp tục giảm. Hơn một nửa số trẻ em trong độ tuổi này tham gia vào việc chăm sóc và giáo dục chính quy.
Năm 2003, 96% trẻ em sáu tuổi ở Phần lan học dự bị tiểu học và hơn một nửa trong số này học tại các trung tâm chăm sóc trẻ.
Các số liệu và bảng biểu, xin xem thêm bản gốc tiếng Anh.
Nguyễn Thành Huy.
Dịch theo nguyên bản
tiếng Anh tài liệu của Bộ các vấn đề
xã hội và y tế,
Early Childhood Education and Care in Finland (Brochures 2004) (STM)
Tài liệu tham khảo về giáo dục, chăm sóc trẻ trước độ tuổi đi học tại đây
http://huy.finland.googlepages.com/reference